Lớp Cao cấp lý luận chính trị Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh nghiên cứu thực tế tại Lai Châu
Sáng 18/3, Đoàn cán bộ và học viên Lớp Cao cấp Lý luận Chính trị K75-A11 (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lai Châu theo chương trình học tập nghiên cứu thực tế tại tỉnh này.
PGS.TS. Lê Văn Trung, Phó Viện Trưởng Viện Quyền Con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) làm Trưởng đoàn; Th.s Ngô Trường Sơn, Chủ nhiệm lớp làm Phó Trưởng đoàn dẫn đầu đoàn 43 học viên Lớp Cao cấp Lý luận chính trị, hệ tập trung K75.A11 đi học tập nghiên cứu thực tế.
Nội dung chính của chương trình nghiên cứu thực tế là kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội gắn với bảo vệ quyền con người của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách đảm bảo vị thế, năng lực làm chủ, góp phần cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tại tỉnh Lai Châu.


Theo báo cáo của ông Nguyễn Đình Hùng (Phó GĐ Sở Tài chính tỉnh Lai Châu), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lai Châu nhiệm kỳ 2020-2025 trong điều kiện thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người hiện nay ước đạt 58,8 triệu đồng, tăng 15,5 triệu đồng so với năm 2020.
Ông Hùng cho biết, Lai Châu không có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Nhưng nhờ tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, năng xuất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn theo quy mô tập trung với một số sản phẩm chủ lực như: chè, quế, cây ăn quả, lúa... Ước thực hiện đến hết năm 2025 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 226.000 tấn, tăng 5.100 tấn so với năm 2020. Tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển cây dược liệu có lợi thế như Sâm Lai Châu, thảo quả, sa nhân, đương quy…; đến nay toàn tỉnh có trên 11.000 ha cây dược liệu, trong đó có 100 ha Sâm Lai Châu. Chăn nuôi đang từng bước có sự thay đổi cả về tư duy và phương thức sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi có kiểm soát, quy mô tập trung trang trại gắn với việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; tốc độ tăng đàn gia súc đạt bình quân trên 5%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Ước đến hết năm 2025, tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 57,5% , 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 huyện nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 17,3 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 15 tiêu chí. Đạt các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Công nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh (khoảng 40,47); giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2025 ước đạt 8.850 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,7%/năm. Công nghiệp thủy điện là lĩnh vực chủ đạo, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, trong đó phát triển mạnh nhất công nghiệp chế biến chè.

Thị trường hàng hóa được duy trì ổn định, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 184,75 triệu USD, giá trị xuất khẩu của địa phương ước đạt 64,48 triệu USD, tốc độ bình quân tăng 21,2%/năm. Giai đoạn 2021-2025, tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 5 triệu lượt người, tăng bình quân 33,4%/năm, vượt 13,4 điểm% Nghị quyết; tổng doanh thu ước đạt trên 3.800 tỷ đồng.
Đến năm 2025 thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.375,5 tỷ đồng, bằng 79,3% Nghị quyết, (Nghị quyết 3.000 tỷ đồng).
Hạ tầng giao thông được ưu tiên phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tính kết nối cao; tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 100%, đường xã đạt 72,8%; ước hết năm 2025 có 100% thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi.
Hạ tầng văn hóa xã hội tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Ước thực hiện đến hết năm 2025, có 100% trường học được xây dựng kiên cố, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 99,7%; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, đạt Nghị quyết; 88,6% thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hóa.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học được quan tâm đẩy mạnh, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước thực hiện đến hết năm 2025 đạt 73,5%, tăng 24,1 điểm% so với năm 2020, vượt 7,5 điểm% Nghị quyết.
Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, nâng cao trình độ, thu hút bác sỹ làm việc tại tỉnh; tiếp tục triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao từ tuyến tỉnh đến cơ sở, thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Đầu tư phát triển văn hóa gắn với hoạt động du lịch, sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức các lễ hội và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thực hiện sưu tầm 36 bộ sưu tập mới của 12 dân tộc: Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Lào, Lự, Giáy, Kháng, Mông, Khơ Mú, Thái, Dao với 3.855 hiện vật; hỗ trợ phục dựng 12 lễ hội truyền thống các dân tộc, hỗ trợ duy trì tổ chức thường niên 65 lượt lễ hội truyền thống các dân tộc;…

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện hỗ trợ nâng cao sản xuất cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,8%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 5,3%, vượt Nghị quyết lần lượt 0,8 điểm% và 1,3 điểm%, dự kiến hết năm 2025 có thêm 01 huyện đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo và đặc biệt khó khăn.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công, giải quyết cơ bản khó khăn về nhà ở, phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được duy trì, thực hiện tốt, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Triển khai có hiệu quả chiến lược về bình đẳng giới, vị trí vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được cải thiện; các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại nhân phẩm người phụ nữ có chiều hướng giảm; các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình từng bước được xoá bỏ. Công tác giải quyết việc làm cho lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện, hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; việc đưa lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng đạt kết quả tích cực. Bình quân giai đoạn 2021- 2025 giải quyết việc làm cho hơn 9,1 nghìn lao động/năm, vượt 0,6 nghìn lao động/năm so với Nghị quyết; trong đó số người đi làm việc ở nước theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 ước đạt 1.670 lao động, tăng 286% so với giai đoạn 2016-2020.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chủ trương chính sách của Tỉnh ủy về giảm thiểu tình trang tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cận huyết thống, xóa bỏ hủ tuc, phong tuc tập quán lac hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản đảm bảo đúng pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn, giải quyết các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”.
Quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng, cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá và vô hiệu hóa kịp thời hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng chậm; thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực còn khó khăn, hạn chế cả về số lượng và quy mô vốn đầu tư; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính có những lĩnh vực, thời điểm hiệu quả chưa cao, thủ tục hành chính ở một số khâu còn phức tạp, kéo dài. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao; một bộ phận hộ nghèo, người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước không muốn ra khỏi diện hộ nghèo; tình trạ ng buôn bán ma túy, dân di cư tự do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương.
Điều này khiến một số tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được kết quả cao, đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh Lai Châu vẫn còn tiếp tục phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm khắc phục khó khăn tồn tại.
Tại cuộc làm việc PGS.TS. Lê Văn Trung, Phó Viện Trưởng Viện Quyền Con người cho rằng, tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Theo TS Trung, việc phát triển kinh tế xã hội đó chính là sự thể hiện nỗ lực phát triển con người, bảo đảm quyền con người của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu. TS. Lê Văn Trung cũng bày tỏ hy vọng rằng, việc bảo đảm quyền con người tại các vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Nhiều học viên Lớp K75-A11 cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng sâu vùng xa, bảo đảm quyền học tập của trẻ em miền núi, cùng với đó là xoá giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng văn hoá, bình đằng giới tại các vùng dân tộc thiểu số.

Ông Hùng (PGĐ Sở Tài chính) cho hay, Lai Châu có hơn 20 tộc người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% số dân. Lai Châu lại là một tỉnh vùng cao và xa xôi. Bởi vậy, các chủ trương và mục tiêu nói trên luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu vẫn luôn quán triệt Nghị quyết của Trung ương từng bước đạt được những kết quả cụ thể theo từng giai đoạn. Qua đó thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị, Ths Ngô Trường Sơn (Chủ nhiệm Lớp K75-A11) cũng cho biết, lớp K75-A11 gồm các học viên hiện đang công tác tại nhiều tỉnh thành và nhiều ngành nghề khác nhau. Cuộc nghiên cứu thực tế tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Lai Châu có thể mang lại không ít những trải nghiệm, kiến thức cho các học viên trong quá trình học tập cũng như kinh nghiệm quý báu để trong tương lai áp dụng vào thực tiễn trong công tác tại địa phương.