Thứ hai, 05/05/2025 14:13 (GMT+7)

Hai thanh niên đe dọa cảnh sát giao thông đòi tiền và cái kết

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang hai đối tượng đến từ Bắc Giang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của một cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị đã phối hợp với Cục CSGT và Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang Nguyễn Văn Hưởng (42 tuổi) và La Văn Tuấn (40 tuổi), cả hai trú tại tỉnh Bắc Giang, về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

tm-img-alt
Hai đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: CA cung cấp

Theo thông tin ban đầu, ngày 2/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được đơn tố giác về tội phạm liên quan đến việc một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc bị các đối tượng từ Bắc Giang đe dọa, yêu cầu chuyển tiền để họ rút đơn khiếu nại liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với Cục CSGT và Công an tỉnh Bắc Giang thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc theo quy định pháp luật.

Đến khoảng 16h30 ngày 2/5, tổ công tác đã kiểm tra và bắt quả tang Nguyễn Văn Hưởng và La Văn Tuấn có hành vi cưỡng đoạt tiền của cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc tại nhà riêng của Hưởng.

Cơ quan điều tra đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ số tiền cùng nhiều vật chứng liên quan. Đồng thời, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và phương tiện của La Văn Tuấn và Nguyễn Văn Hưởng cũng được thực hiện. Kết quả khám xét thu giữ thêm nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự trong thời hạn 3 ngày đối với Nguyễn Văn Hưởng và La Văn Tuấn về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự, tội cưỡng đoạt tài sản được quy định như sau:

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục

Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5
Ngày 1/5 là một dấu son trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn cầu, một lời nhắc nhở sâu sắc về những cuộc chiến không ngừng nghỉ cho quyền lợi và phẩm giá con người.

Tin mới