Hải Phòng và Hải Dương cùng tăng trưởng 2 con số 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP. Hải Phòng (cũ) tăng trưởng GRDP 11,04%, tỉnh Hải Dương (cũ) đạt 11,59%. Những con số này khẳng định nền kinh tế hai địa phương duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trước khi hợp nhất.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP. Hải Phòng (cũ) ghi nhận mức tăng trưởng GRDP đạt 11,04%, trong khi tỉnh Hải Dương (cũ) đạt 11,59%. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế của cả hai địa phương đều duy trì đà tăng trưởng cao, tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn sau hợp nhất.
Năm 2025, kế hoạch tăng trưởng GRDP của TP. Hải Phòng (cũ) là 12,5%, còn của tỉnh Hải Dương (cũ) là 12%. Để đạt được các mục tiêu này, hai địa phương đã tập trung đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

TP. Hải Phòng (trước đây) đề ra mục tiêu tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 240.000 tỷ đồng. Tỉnh Hải Dương cũng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 80.850 tỷ đồng. Sau hợp nhất, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 12,5% theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.
6 tháng đầu năm, TP. Hải Phòng (mới) tăng trưởng GRDP đạt 11,2%. Trong đó, TP. Hải Phòng (cũ) tăng GRDP 11,04%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,6 tỷ USD và lượng khách du lịch vượt 5,2 triệu lượt.
Tỉnh Hải Dương (cũ) ghi nhận GRDP tăng 11,59%, với sự tăng trưởng đồng đều ở ba khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng GRDP của cả hai địa phương đều vượt mức trung bình cả nước, tạo ra bước xuất phát vững chắc cho TP. Hải Phòng sau hợp nhất, là nền tảng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, trong 6 tháng, tổng vốn đầu tư của TP. Hải Phòng trước khi hợp nhất đạt 107.887,2 tỷ đồng, tăng 18,19% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 45% kế hoạch và vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 13.028,6 tỷ đồng, tăng 32,23%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 53.426,4 tỷ đồng, tăng 14,45%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 41.518,4 tỷ đồng, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm 2024.
Còn tại tỉnh Hải Dương (cũ), tính đến hết tháng 6/2025, tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước ước đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 85,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 31.949,3 tỷ đồng, tăng 21,44%, góp phần thúc đẩy kinh tế hai địa phương tăng trưởng mạnh mẽ trước hợp nhất.
Tổng thu ngân sách của TP. Hải Phòng (mới) trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 96.800 tỷ đồng. Trong đó, TP. Hải Phòng (cũ) đóng góp khoảng 77.319 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 38.000 tỷ đồng và thu nội địa ước đạt hơn 38.647 tỷ đồng, tăng 29,4%.
Tỉnh Hải Dương (cũ) cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, với tổng thu ngân sách ước đạt trên 19.500 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, thu nội địa tại tỉnh đạt 17.313 tỷ đồng, tăng tới 38%, cho thấy nội lực kinh tế của tỉnh Hải Dương đã được phát huy rõ rệt.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc TP. Hải Phòng sau hợp nhất đạt mức thu ngân sách như trên là một kết quả đáng tự hào, phản ánh nỗ lực đáng ghi nhận của cả hai địa phương. Các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và thuế thu nhập cá nhân đều ở mức cao, khẳng định môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn tại khu vực này.
Với nền tảng vững chắc trong hai quý đầu năm, triển vọng phát triển kinh tế và thu ngân sách của TP. Hải Phòng trong nửa cuối năm 2025 được đánh giá rất khả quan. Việc hợp nhất hai địa phương không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực và phát huy các lợi thế riêng có của từng khu vực.
Tại hội nghị công bố các Nghị quyết, Quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức Đảng, chỉ định nhân sự TP. Hải Phòng mới đây (30/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị TP. Hải Phòng (mới) tập trung các nhiệm vụ xây dựng Thành phố trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Bám sát các định hướng, chỉ đạo của Trung ương, TP. Hải Phòng đang tập trung xây dựng mục tiêu và phương hướng phát triển cho giai đoạn tới. Trong đó, dự kiến mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026-2030 đạt 14 - 14,5% mỗi năm. Theo ước tính của Sở Tài chính Hải Phòng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên hai con số, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong giai đoạn 2026-2030 cần đạt 2,5 triệu tỷ đồng, riêng năm 2030 là 552.937,93 tỷ đồng, tương ứng với 41% GRDP. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay và xuyên suốt là huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào thành phố.
Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố, đồng thời triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam, đẩy nhanh tiến độ các đề án phát triển nhà ở xã hội và các dự án giao thông trọng điểm.
TP. Hải Phòng cũng chú trọng huy động đa dạng các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ sau cảng, đô thị, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm dẫn dắt và thu hút các nguồn lực xã hội khác cũng được chú trọng, song song với việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Cùng với đó, Thành phố tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; đa dạng hóa và phát triển toàn diện các thành phần kinh tế; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng tới phát triển bền vững và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
Những nỗ lực này không chỉ giúp gia tăng khả năng thu hút các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, logistics và dịch vụ biển, mà còn hiện thực hóa khát vọng xây dựng TP. Hải Phòng thành một đô thị cảng biển quốc tế hiện đại, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á, đóng vai trò dẫn dắt cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.