Thứ năm, 26/12/2024 09:02 (GMT+7)

Hà Nội sẽ ký công ước về phòng chống tội phạm mạng của Liên Hiệp Quốc

Sáng 25/12 theo giờ Việt Nam, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Tội phạm mạng. Văn kiện này sẽ được mở ký tại thành phố Hà Nội trong năm 2025 và theo đó có tên gọi là "Công ước Hà Nội".

tm-img-alt
Liên Hiệp Quốc vừa thông qua đồng thuận "Công ước Hà Nội".

Sau gần 4 năm đàm phán, sự ra đời của "Công ước Hà Nội" là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, tích cực và đầy trách nhiệm của các quốc gia thành viên LHQ. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện ý chí chung của các quốc gia trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả với tội phạm mạng.

Trong bối cảnh không gian mạng mang lại những lợi ích và tiềm năng phát triển vượt bậc cho nhân loại, những rủi ro và nguy cơ về an ninh mạng cũng ngày càng gia tăng. Các hoạt động tội phạm mạng không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Năm 2023, thiệt hại từ tội phạm mạng được ước tính lên tới 8.000 tỉ USD và con số này dự báo sẽ tăng lên 10.500 tỉ USD vào năm 2025, vượt qua GDP của nhiều nền kinh tế hàng đầu.

tm-img-alt
Trước thực trạng "tội phạm mạng" gia tăng, "Công ước Hà Nội" ra đời.

Trước thực trạng đó, "Công ước Hà Nội" ra đời với vai trò thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Công ước không chỉ nhằm thúc đẩy pháp quyền trên không gian mạng mà còn hướng tới việc bảo đảm an ninh mạng toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia trong kỷ nguyên số.

Việc LHQ lựa chọn Hà Nội làm nơi tổ chức lễ mở ký công ước là một sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử quan hệ đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một địa danh tại Việt Nam được gắn liền với một điều ước quốc tế có tầm vóc toàn cầu, phản ánh uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Quyết định này không chỉ là sự công nhận vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong quá trình đàm phán "Công ước Hà Nội" mà còn thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào năng lực và trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế. Việt Nam đã tham gia một cách tích cực, trách nhiệm và thực chất trong toàn bộ quá trình xây dựng công ước, góp phần định hình nội dung và hướng đi của văn kiện này.

Đăng cai lễ mở ký "Công ước Hà Nội" là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, qua đó đóng góp vào bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trong không gian mạng.

Sự kiện này đồng thời tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học và đổi mới sáng tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại. Đây cũng là bước đi cụ thể, góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

tm-img-alt
"Công ước Hà Nội" thể hiện cam kết hợp tác mạnh mẽ của Việt Nam.

"Công ước Hà Nội" không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế mà còn là biểu tượng cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, công bằng và bền vững. Lễ mở ký tại Hà Nội vào năm 2025 sẽ là dịp để các quốc gia thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc hợp tác vì an ninh mạng toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng gắn kết và phụ thuộc vào công nghệ số, việc ra đời "Công ước Hà Nội" là bước đi cần thiết để bảo đảm không gian mạng trở thành một công cụ phục vụ phát triển bền vững, thay vì là nguồn gốc của các mối đe dọa an ninh. Đây là trách nhiệm không chỉ của từng quốc gia mà của toàn bộ cộng đồng quốc tế, cùng hướng tới một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vừa lái xe vừa xem Google Maps có bị phạt?
Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện
Chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới từ Sở GTVT sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở TT&TT sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.