Di sản tư tưởng và hành trình dẫn dắt dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
135 năm kể từ ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2025), đất nước Việt Nam đã trải qua bao biến thiên của thời cuộc, nhưng ngọn lửa tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn cháy sáng trong từng trái tim người Việt.
Ngày 19 tháng 5 năm 2025, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người để lại một di sản tư tưởng, đạo đức và phong cách có giá trị vô cùng to lớn, tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trong thời đại mới.
Khát vọng của toàn dân tộc
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống hiếu học và cách mạng, Hồ Chí Minh sớm thấm nhuần những giá trị yêu nước từ cha, mẹ và quê hương. Ở tuổi đôi mươi, khi đất nước chìm sâu trong đêm dài nô lệ, Người đã chọn rời Tổ quốc để tìm con đường giải phóng dân tộc - một quyết định lớn lao và đầy bản lĩnh. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm đường cứu nước, khởi đầu cho hành trình cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Không đơn thuần là một chuyến đi tìm kế sinh nhai hay học hành ở phương Tây, đó là một hành trình tư tưởng và hành động có mục tiêu rõ ràng: tìm ra con đường để “giúp đồng bào đau khổ”. Trong gần ba mươi năm bôn ba qua nhiều châu lục, làm nhiều nghề để sống và học hỏi, Người đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin và nhận ra rằng: chỉ có cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mới có thể giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thực dân, đế quốc. Năm 1920, khi tham gia Hội nghị Tours của Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, Người đã chính thức đứng vào hàng ngũ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – bước ngoặt tư tưởng mang tính quyết định cho lịch sử cách mạng Việt Nam.
Lãnh tụ của lòng dân
Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 đến khi đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã chứng minh khả năng tổ chức, lãnh đạo và đoàn kết toàn dân tộc bằng một chiến lược cách mạng hết sức sáng suốt. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, về một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” đã khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của nhân dân Việt Nam. Người không chỉ là người lãnh đạo kiệt xuất mà còn là biểu tượng của sự khoan dung, đạo đức và nhân văn sâu sắc.
Trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Người từng nói: “Dân tộc độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.” Tư tưởng ấy đã thấm đẫm vào từng chính sách, từng bài viết và hành động của Người – từ việc chăm lo đến đời sống binh sĩ nơi chiến khu, cho đến việc dạy cán bộ phải biết nghe dân, tin dân và tôn trọng dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia Chiến dịch Biên giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng. (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là sức sống cho thời đại
Điều làm nên tầm vóc tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở hành động thực tiễn mà còn ở chỗ Người đã xây dựng một hệ thống tư tưởng chính trị - đạo đức - văn hóa mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, gần gũi với đời sống nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là điểm xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp của Người. Theo đó, độc lập dân tộc không chỉ là mục tiêu chính trị, mà là điều kiện tiên quyết để nhân dân có thể thực sự làm chủ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Chủ nghĩa xã hội theo Hồ Chí Minh là một xã hội do nhân dân làm chủ, mọi người có công ăn việc làm, được học hành, sống trong môi trường bình đẳng, bác ái.
Về đạo đức, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng như một nền tảng để cán bộ, đảng viên phụng sự nhân dân và xây dựng xã hội mới. Các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” mà Người nêu ra không chỉ dành riêng cho đội ngũ lãnh đạo mà còn là chuẩn mực cho mọi tầng lớp xã hội. Đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh không chỉ là sự kiên định lý tưởng, mà còn là lối sống gắn bó mật thiết với nhân dân, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng.
Học Bác từ điều giản dị
Một trong những nét đẹp đặc trưng của Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa tư tưởng và lối sống. Người sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm trong từng bữa cơm, bộ quần áo, đến nỗi trở thành huyền thoại trong lòng dân chúng.
Những bài học từ cuộc đời giản dị của Người đã trở thành động lực cho các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong suốt gần hai thập kỷ qua. Những phong trào ấy không chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu hay buổi sinh hoạt chính trị, mà đã trở thành thực tiễn sinh động trong xã hội – từ các sáng kiến của chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, chống tiêu cực, cho đến những hành động đẹp trong cộng đồng như giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, hiến máu nhân đạo...
Điều cốt lõi mà Người để lại chính là tinh thần phụng sự nhân dân vô điều kiện. Học Bác, trước hết là học cho đúng – để hiểu Người không chỉ qua các câu nói nổi tiếng mà bằng việc đặt bản thân vào thực tiễn phục vụ nhân dân. Học Bác, sau đó là hành cho trọn – để biến lý tưởng thành hành động, biến đạo đức thành năng lượng sống, và biến tư tưởng thành sức mạnh kiến tạo xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc phát triển đất nước
Việt Nam đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng vững chắc, dẫn dắt mọi quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là tiếp nối di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ. Tình trạng suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được xem là những nguy cơ nội sinh nghiêm trọng mà chỉ bằng việc thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mới có thể từng bước khắc phục.
Trong phát triển kinh tế, tinh thần “tự lực, tự cường”, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc hành động chủ đạo. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, khoa học – công nghệ đều gắn liền với đường lối đổi mới có tính kế thừa di sản tư tưởng của Người.
Trách nhiệm của thế hệ hôm nay
135 năm kể từ ngày sinh của Người, đất nước Việt Nam đã trải qua bao biến thiên của thời cuộc, nhưng ngọn lửa tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn cháy sáng trong từng trái tim người Việt. Việc kỷ niệm ngày sinh của Bác không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, mà trên hết là dịp để mỗi người dân tự soi lại mình, để mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội tự xem lại hành động của mình đã thực sự “vì dân” chưa, đã “gần dân” chưa, và đã “trong sạch, liêm chính” như Bác căn dặn chưa?

Kỷ niệm kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giới trẻ hôm nay có thể không chứng kiến thời khắc lịch sử mà Người tạo dựng, nhưng hoàn toàn có thể tiếp nối bằng ý chí lập thân, lập nghiệp, khát vọng sáng tạo, tinh thần cống hiến. Đó chính là cách tốt nhất để tưởng nhớ và tri ân Người - người đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.