Thứ năm, 15/05/2025 12:35 (GMT+7)

Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Thường trực Hải quan Thế giới

Trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 247/248 của Ủy ban Kỹ thuật Thường trực (PTC) tại trụ sở Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Hải quan Việt Nam đã vinh dự được các thành viên tín nhiệm tái cử giữ cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026.

Phiên họp đã thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ các cơ quan hải quan thành viên, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các cơ sở nghiên cứu trên toàn thế giới. Trong bốn ngày làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp và định hướng ứng phó của ngành hải quan trước những thách thức hiện tại như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại điện tử.

Các sáng kiến quan trọng được đưa ra và thảo luận bao gồm thúc đẩy Hải quan Xanh, giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), góp phần hiện thực hóa cam kết của WCO trong năm 2025 về hiệu quả, an ninh và thịnh vượng.

tm-img-alt
Quang cảnh Phiên họp của PTC tại Bỉ.

Ủy ban Kỹ thuật Thường trực, được thành lập từ năm 1953, là một trong những cơ quan nòng cốt của WCO, đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng các công cụ kỹ thuật, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ các cơ quan hải quan đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp. Các phiên họp PTC được tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm, là diễn đàn chuyên môn quan trọng để cập nhật, thảo luận và thống nhất các nội dung kỹ thuật trước khi trình lên Ủy ban Chính sách và Hội đồng WCO.

Phiên họp lần này do bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO, điều hành trên cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2024-2025.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Tổng Thư ký WCO, ông Ricardo Trevino Chapa, đã đánh giá cao những kết quả nổi bật mà PTC đã đạt được, đặc biệt trong việc triển khai các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại theo Kế hoạch hành động giai đoạn 2022–2025 của Tổ chức. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao khả năng sẵn sàng và thích ứng với các thách thức mới đối với chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại toàn cầu.

tm-img-alt
Phiên thảo luận về chủ đề hoạt động của WCO năm 2025 (Ảnh: WCO).

Điểm nhấn của phiên họp là các phiên thảo luận sôi nổi về nhiều chủ đề quan trọng, bao gồm:

* Thương mại điện tử: Tập trung vào việc xử lý lượng hàng hóa giá trị thấp, tăng cường hợp tác với các đối tác liên quan và ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tuân thủ quy định.

* Xây dựng và củng cố mạng lưới Hải quan toàn cầu: Thảo luận về nền tảng trao đổi dữ liệu hải quan toàn cầu (CDEP) nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, giảm thất thu thuế và cải thiện kiểm soát rủi ro.

* Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Thông qua kết quả Nghiên cứu khả thi về Khung kết nối cho Giấy chứng nhận xuất xứ và ghi nhận các cập nhật hướng dẫn liên quan đến việc xử lý các hành vi bất thường về xuất xứ.

* Phát triển Dự án Hải quan thông minh: Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thu hẹp khoảng cách số giữa các thành viên và tận dụng công nghệ đột phá trong quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Triển khai Kế hoạch hành động tại các khu vực biên giới dễ bị ảnh hưởng: Tiếp tục cam kết của WCO trong việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh biên giới trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

* Thúc đẩy Sáng kiến Hải quan xanh: Thảo luận và đưa ra các hướng dẫn mới nhằm tăng cường tính bền vững trong quản lý hải quan toàn cầu.

* Thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA): Cập nhật các nội dung trong chương trình Mercator nhằm hỗ trợ các chính phủ triển khai hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

* Nghiên cứu thời gian giải phóng hàng: Bàn thảo và ghi nhận kết quả tích cực của dự án đánh giá khả thi, đồng thời thông qua Hướng dẫn TRS được cập nhật (phiên bản 4 năm 2025).

* Xây dựng cơ chế đánh giá hiệu suất hoạt động hải quan: Đánh giá cao kết quả giai đoạn tự đánh giá đầu tiên của Cơ chế đánh giá hiệu suất hoạt động (PMM) của WCO.

* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan: Thống nhất về sự cần thiết đánh giá lại toàn diện các nguyên tắc và hướng dẫn về ICT để đảm bảo sự phù hợp trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.

* Quản lý khu vực tự do: Thảo luận về Hướng dẫn thực hành của WCO, tập trung vào xác định rủi ro, minh bạch thông tin, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong giám sát hàng hóa.

* Rà soát Khung tiêu chuẩn SAFE về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu: Xem xét tiến trình sửa đổi Khung tiêu chuẩn SAFE sau chu kỳ đánh giá 2021–2025 và thông qua dự thảo sửa đổi năm 2025.

Việc Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026 thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vai trò chủ động, trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Phát biểu sau khi tái đắc cử, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đại biểu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh ngành hải quan toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cùng chuyên mục

Vị lãnh tụ kính yêu sống mãi trong trái tim nhân dân
Ngày 19/5/2025, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thành kính kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc.

Tin mới