Thứ ba, 07/01/2025 14:53 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chính phủ thảo luận 7 dự án luật

Ngày 7/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025. Phiên họp tập trung thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết quan trọng để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 2 sắp tới.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp trong tháng 2.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phiên họp đầu năm 2025 mang ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược lớn của Đảng về xây dựng thể chế. Thủ tướng khẳng định thể chế là "đột phá của đột phá", vừa là nguồn lực, động lực phát triển, nhưng cũng là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc: "Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh", nhằm khơi thông nguồn lực xã hội cho phát triển. Các dự án luật phải đảm bảo tính "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Với tinh thần đổi mới, Thủ tướng chỉ đạo cần áp dụng phương pháp "trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", thực hiện đồng thời từ trên xuống và dưới lên. Mô hình tổ chức mới phải hiệu quả hơn, không để gián đoạn công việc, đảm bảo người dân được thụ hưởng các thành quả đổi mới.

Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng thể chế là công việc khó, phức tạp, đòi hỏi tập trung cao độ. Ông yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đổi mới tư duy và nâng cao trách nhiệm thực thi. Thủ tướng yêu cầu giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Trong việc phân cấp, phân quyền, Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm phải gắn liền với quyền hạn. Các cơ quan được phân cấp, phân quyền phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật. Đồng thời, quyền hạn của Chính phủ, chính quyền địa phương cần được tập trung trong các luật tổ chức, tránh phân tán.

Thủ tướng cũng chỉ rõ cần loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Ông khuyến khích trao quyền cho người dân, doanh nghiệp khi họ làm tốt hơn. Những gì không bị cấm thì cần để người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng dữ liệu số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Ông nhấn mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tinh giản bộ máy, biên chế, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.

Thủ tướng lưu ý cần khẩn trương thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc xây dựng pháp luật phải nhanh chóng, kịp thời, dễ hiểu, dễ thực thi, và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng yêu cầu hành lang pháp lý vững chắc, ổn định. Ông khẳng định đây là trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

tm-img-alt
Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc khó, nhiều nội dung phức tạp, do đó phải rất tập trung, khẩn trương thực hiện trong thời gian từ nay đến Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội để giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan tổ chức và hoạt động của bộ máy.

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm. Ông đánh giá cao Bộ Nội vụ trong việc thực hiện các nghị định về sắp xếp tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục lắng nghe ý kiến, rà soát các cơ chế, chính sách chưa bao phủ hoặc còn bỏ sót. Ông yêu cầu hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, đảm bảo đạt mục tiêu thực chất.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, mọi ý kiến khác nhau cần được lắng nghe, thảo luận dân chủ để tạo đồng thuận cao. Khi đã quyết định, tất cả phải thực hiện nghiêm theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tập thể.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vừa lái xe vừa xem Google Maps có bị phạt?
Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.