Chủ nhật, 29/12/2024 19:46 (GMT+7)

Dự án của sinh viên trường báo để quảng bá tinh hoa nghệ thuật tò he

Vừa qua, nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khởi động dự án “Con bột trông trăng”. Qua cuốn tạp chí “Làng nghề tò he Xuân La”, dự án mong muốn truyền tải những giá trị sâu sắc của nghệ thuật tò he tới du khách nước ngoài.

Nghề tò he – một loại hình nghệ thuật dân gian trường tồn qua nhiều thế hệ đã và đang đối mặt với nguy cơ mai một trong đời sống đô thị hóa và hiện đại hóa. Từng được xem là biểu tượng của đời sống văn hóa Việt Nam, nay nghề tò he gần như chỉ xuất hiện ở một số sự kiện hoặc khu du lịch.

Những nghệ nhân ở Xuân La - ngôi làng được coi là “cái nôi” của tò he cũng đang dần thu hẹp do sự thay đổi thị hiếu và sự cạnh tranh của nhiều hình thức đồ chơi hiện đại. Nghệ nhân Đặng Đình Hờn, người đã có nhiều năm làm nghề tâm sự: “Công việc của tôi chủ yếu là đi biểu diễn tại các trường học, sự kiện nhưng tôi hầu như không có đơn đặt hàng trong suốt hai năm 2020 – 2021. Đó là tình hình chung của nghệ nhân làng nghề nên chính mình cũng phải tìm lối đi khác để kiếm thêm thu nhập”. 

tm-img-alt
Nghề tò he đứng trước thách thức bị mai một.

Trước thực trạng trên, với mong muốn bảo tồn và tôn vinh giá trị truyền thống, dự án “Con bột trông trăng” đã được thành lập bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Qua sản phẩm truyền thông là tạp chí song ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt), nhóm tác giả mong muốn giúp độc giả ở trong và ngoài nước hiểu hơn về quá trình phát triển và lưu giữ nghề tò he tại làng Xuân La. 

tm-img-alt
VTạp chí song ngữ “Làng nghề tò he Xuân La”.

Được xây dựng với nội dung phong phú, tạp chí “Làng nghề tò he Xuân La” không chỉ giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của nghề tò he mà còn khai thác những câu chuyện, trăn trở của các nghệ nhân trong quá trình làm nghề. Nhóm tác giả tập trung khai thác bốn khía cạnh lớn của làng nghề Xuân La gồm: “Đất nghề Xuân La”, “Nghệ thuật chế tác tò he”, “Nghệ nhân làng nghề”, “Tò he trong mắt du khách”. Qua mỗi mục, độc giả sẽ có cơ hội khám phá một cách sâu sắc và toàn diện về nghề làm tò he - một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam.

tm-img-alt
Nội dung tạp chí được các bạn sinh viên khai thác kỹ lưỡng các khía cạnh khác nhau của làng nghề. 

Thông qua dự án, nhóm tác giả hy vọng khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. “Chúng mình mong rằng tạp chí “Làng nghề tò he Xuân La” không chỉ là nhịp cầu kết nối khách quốc tế với nghề thuật truyền thống Việt Nam, mà còn đánh thức sự quan tâm của các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn những giá trị bản sắc của dân tộc” - Bạn Trần Thị Thanh Thanh, trưởng dự án chia sẻ. 

Dự án “Con bột trông trăng” và cuốn tạp chí song ngữ “Làng nghề tò he Xuân La” là minh chứng cho sự sáng tạo và tâm huyết của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Hiện nay, dự án đang được truyền thông rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết vào ngày cúng ông Công ông Táo
Có một thực tế là nhiều gia đình cúng ông Công ông Táo không đúng ngày, đúng giờ, không chuẩn bị đúng mâm cỗ cúng. Chúng ta cần làm những gì vào ngày cúng ông Công ông Táo để đón nhận những điều an lành, tốt đẹp.

Tin mới

Vừa lái xe vừa xem Google Maps có bị phạt?
Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.