Thứ tư, 11/12/2024 23:29 (GMT+7)

Mua bán pháo hoa trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời điểm Tết đến gần, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao, kéo theo sự gia tăng hoạt động mua bán pháo hoa trái phép trên mạng xã hội. Nhiều hội nhóm công khai quảng cáo, giao dịch các loại pháo, từ pháo hoa đến pháo nổ, vi phạm quy định pháp luật.

tm-img-alt
Pháo hoa, pháo nổ, pháo hoa nổ đủ mẫu mã, giá tiền được đăng bán công khai

Theo Nghị định 137/2020, pháo hoa và pháo nổ có sự khác biệt rõ ràng. Pháo nổ là loại gây tiếng nổ hoặc rít, thường kèm theo hiệu ứng ánh sáng; trong khi pháo hoa chỉ tạo hiệu ứng ánh sáng, không có tiếng nổ. Việc kinh doanh pháo hoa được quy định nghiêm ngặt và chỉ doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng như Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) hoặc Tổng Công ty GAET được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Việc mua bán pháo, kể cả pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất, thông qua các cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Để tránh rủi ro pháp lý, người dân cần tìm đến các cửa hàng, đại lý được ủy quyền chính thức, có danh sách niêm yết rõ ràng. Khi mua pháo hoa, cần giữ lại hóa đơn để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Đây không chỉ là cách bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn giúp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và tuân thủ đúng pháp luật.

Hành vi mua bán, sử dụng pháo hoa nổ, pháo hoa trái phép là hành vi bị cấm theo khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 137/2020. Do vậy, nếu trường hợp các cá nhân, tổ chức mua bán pháo trên mạng không rõ nguồn gốc sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự:

Đối với hành vi sử dụng pháo trái phép, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và bị tịch thu tang vật theo điểm i khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Trường hợp là tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân.

Đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, giao nhận pháo nổ trái phép, cá nhân có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng tùy vào khối lượng pháo nổ theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trường hợp là tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân.

Về hình sự, đối với hành vi sử dụng pháo trái phép nếu sử dụng tại nơi công cộng tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả, nhân thân người phạm tội (có từng bị xử phạt hành chính hay có án tích hay không) mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng (nếu sử dụng tại nơi công cộng) theo Điều 318 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt tối đa lên đến bảy năm tù giam.

Đồng thời, hành vi buôn bán trái phép pháo nổ với khối lượng từ 6 kg trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo Điều 190 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đi xe của người thân có bị phạt không?
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định chỉ xử phạt hành chính đối với chủ phương tiện không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, trường hợp đi xe của người thân có đầy đủ giấy tờ, và không vi phạm các quy định giao thông thì không bị phạt lỗi này.
Trẻ dưới 14 tuổi có bắt buộc làm thẻ căn cước không?
Chính phủ ban hành Luật Căn cước 2023, chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Ngoài ra, Luật Căn cước còn có nhiều nội dung, quy định liên quan đến thẻ căn cước, trong đó có quy định độ tuổi làm thẻ căn cước.
Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8% trong 2025
Ngày 8/1/2025, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ đã diễn ra trọng thể, mục tiêu hướng tới năm 2025 với phương châm: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".