Xây dựng và hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Ngày: 2021-11-12 17:52:11
  

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Việc thông qua Luật này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Ảnh minh họa

Tăng mức phạt tiền tối đa

Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định từ năm 2012.  Thời điểm ban hành Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tuy nhiên, sau gần 8 năm đưa vào thực hiện, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa. Do vậy, Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Ðiều 24 Luật XLVPHC hiện hành.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân về: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại. Các hành vi vi phạm của cá nhân về an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính thì bị phạt tiền đến 40.000.000 đồng.

Ðối với cá nhân vi phạm phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng, chống thiên tai... mức phạt tối đa đến 50.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, cá nhân có thể bị phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội... Ðối với hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị phạt tối đa 200.000.000 đồng...

Tăng thẩm quyền phạt tiền

Luật mới quy định tăng thẩm quyền phạt tiền của chủ tịch UBND cấp huyện và giám đốc Công an cấp tỉnh từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng. Luật còn sửa đổi việc áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, Luật bổ sung 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Ðối với các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Hoãn tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân bị phạt

Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân ở Luật XLVPHC hiện hành. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3 triệu đồng trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2.000.000 đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo... Việc sửa đổi này sẽ tạo thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

(Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM)

TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN