Ngăn chặn nạn quấy rối tình dục nơi công sở

Ngày: 2021-11-14 16:36:49
  

Theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, VCCI, được sự hỗ trợ và tham gia ý kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ban hành năm 2015: Đặc điểm cơ bản nhất của hành vi quấy rối tình dục nói chung, quấy rối tình dục nơi làm việc, công sở nói riêng, là hành vi gợi dục không được chấp nhận và không mong muốn. Nói cách khác, đây là loại hành vi cưỡng bức có yếu tố tình dục, phản văn hóa.

Quấy rối về tình dục chốn công sở đang diễn ra âm ỉ, gây bức xúc cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Nhiều người cho rằng, động chạm vào vùng nhạy cảm hay có quan hệ tình dục mới được xem là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chứ không chỉ đơn giản là những cái nhìn gợi tình hay nháy mắt…Thực tế là nó được biểu hiện ở 3 dạng chính, gồm có hành vi liên quan đến thể chất, lời nói và phi lời nói.

Ảnh minh họa

Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó. (Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019).

Nơi làm việc được hiểu là là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Theo quy định của pháp luật, những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, tập huấn, hội thảo, bữa ăn, chuyến đi công tác chính thức, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định đều được tính là nơi làm việc.

Một số nguyên nhân chủ yếu

Một là, do nhận thức đơn giản, không đầy đủ của xã hội về quấy rối tình dục. Nhiều người cho rằng, chỉ khi có hành vi ôm, hôn, sờ mó hoặc dẫn đến hiếp dâm thì mới là quấy rối. Lại có quan niệm “Làm hoa cho người ta hái; làm gái cho người ta trêu”…  vậy nên các hành vi trêu trọc dễ có tính dục thái quá; các câu chuyện tiếu lâm dung tục, được mọi người chấp nhận và truyền bá ở nhiều nơi.

Hai là, nguyên nhân từ văn hóa truyền thống có nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu, nhận thức lệch lạc…Đó chính là các biểu hiện của thói trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ thấp cổ bé họng, khi bị quấy rối tình dục, dù bị khó chịu, đau khổ…nhưng các nạn nhân nữ thường muốn giấu kín, ngại công khai sự việc và không dám phản kháng, tố cáo đối tượng. Hiện nay, quấy rối tình dục có cả các nạn nhân nam song nạn nhân nữ thường vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều.

Ba là, sự bất cập của luật pháp và thiếu chế tài hiệu quả trong ngăn chặn và xử phạt. Bộ Quy tắc ứng xử trên mới có tác dụng hướng dẫn định tính và ngăn ngừa các hành vi lệch chuẩn văn hóa. Cơ sở pháp lý để xử phạt hiện nay là Bộ luật Lao động 2012 có một số điều khoản quy định về quấy rối tình dục như Điều 8 quy định cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; Điều 37 quy định người lao động bị quấy rối có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… đều chưa có chế tài xử phạt mạnh đối với chủ thể quấy rối tình dục.

Xử lý hành vi quấy rối tình dục

Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn và thành phố, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đã có không ít các vụ quấy rối tạo những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có những hình phạt xử lý thích đáng những đối tượng này.

Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ở đây, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục.

Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.

Không chỉ vậy, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc.

Ở Việt Nam, các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thường khó chứng minh hành vi, hậu quả. Một phần do sự e ngại, sợ tai tiếng, sợ mất việc làm nên  nạn nhân thường có xu hướng im lặng, chịu đựng. Họ giữ suy nghĩ im lặng thì sẽ tránh được phiền phức và đối tượng sẽ không lặp lại hành vi đó với mình. Tuy nhiên, im lặng không thể là giải pháp giải quyết vấn đề này một cách  triệt để.

Để giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục công sở, ta cần dựa trên các nền tảng về văn hóa, giáo dục, đạo đức kết hợp với công nghệ và pháp luật. Phương pháp cốt lõi là chủ động giáo dục; phòng ngừa là việc làm ưu tiên hàng đầu; kết hợp với các quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

(Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh)

TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN