Chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ

Ngày: 2021-11-05 04:38:32
  

Tòa soạn Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có nhận được câu hỏi của bạn đọc ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung như sau: “Xin Tòa soạn cho biết về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ? Điều kiện hưởng chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ?”

Trả lời mang tính chất tham khảo:

Nghị định 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là một trong những lực lượng của chế độ quốc phòng toàn dân. Lực lượng Dân quân tự vệ không phục vụ trực tiếp toàn bộ thời gian như lực lượng quân đội khác. Vì lực lượng này không dùng toàn bộ thời gian của cho việc huấn luyện và tham gia vào lực lượng quân đội nên chế độ chính sách của lực lượng này cũng được quy định không giống với các lực lượng khác trong quân đội.

Ảnh minh họa

Điều kiện hưởng chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ:

Theo quy định tại Luật này thì Dân quân tự vệ  được biết đến là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, vẫn tham gia công tác và là một thành phần của Lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng Dân quân tự vệ cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân khác, được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý điều hành của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân các cấp; sự chỉ đạo và chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương. Dân quân tự vệ có trách nhiệm bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cấp xã, cơ quan, tổ chức.

Để Dân quân tự vệ có thể được hưởng các chế độ chính sách mà pháp luật quy định thì phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu ra dưới đây:

Không phải trường hợp nào khi tham gia vào lực lượng vũ trang cũng đều sẽ được hưởng những chính sách của Nhà nước quy định. Đầu tiên là thời gian thực hiện nhiệm vụ của chủ thể tham gia vào lực lượng Dân quân tự vệ. Dân quân tự vệ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động, huy động hoặc làm nhiệm vụ theo kế hoạch nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh quân, dân y.

Để đảm bảo những chế độ và chính sách của Nhà nước được thực hiện một cách chính xác và đúng với từng đối tượng nhất, Nhà nước quy định về việc dân quân tự vệ không được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi:

– Chủ thể là dân quân tự vệ đó cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

– Chủ thể là dân quân tự vệ đó bị tai nạn do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện nhiệm vụ;

– Chủ thể là dân quân tự vệ đó bị tai nạn do sử dụng rượu, bia, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác theo quy định.

Chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ:

Nghị định 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ mà cụ thể việc này được quy định trực tiếp tại Khoản 2 Điều 16. Quy định chuyển tiếp có quy định về chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ như sau: “Định mức hưởng chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ quy định tại Điều 7, 8, 11, 12, 13 và Điều 15 của Nghị định này được điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở hoặc mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”.

Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được thực hiện tuân theo các quy định tại Nghị định này. Theo đó, chủ thể tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ mà giữ chức vụ là chỉ huy thì sẽ được nhận phụ cấp theo từng chức vụ khác nhau và được chi trả theo từng thời gian khác nhau. Đối với lượng lượng dân quân thì sẽ được quy định về việc trợ cấp tiền ăn theo như quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định liên quan đến chế độ và chính sách mà các chủ thể này được hưởng thì có nội dung như sau:

Đối với chế độ, chính sách phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

– Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được hưởng phụ cấp là 357.600 đồng.

– Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 327.800 đồng.

– Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 312.900 đồng.

– Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực được hưởng phụ cấp là 298.000 đồng.

– Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp là 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng.

– Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội được hưởng phụ cấp là 223.500 đồng.

– Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực được hưởng phụ cấp là 178.800 đồng.

– Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng được hưởng phụ cấp là 149.000 đồng.

Bên cạnh việc quy định chi tiết về số tiền phụ cấp đối với lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này thì pháp luật quy định về chế độ và chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ về thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ của những cá nhân làm chỉ huy trong lực lượng dân quân tự vệ này tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó. Đồng thời, đối với những chỉ huy hoạt động và giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Chế độ, chính sách trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực:

Nghị định 72/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực. Theo đó, mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.

Nghị định cũng quy định về mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình. Một cá nhân, mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp khi các chủ thể tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ mà phục vụ trong lực lượng này mà có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp. Từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng. Từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.

Bên cạnh việc quy định về mức trợ cấp thông thường đối với dân quân tự vệ hoạt động trong điều kiện phổ biến thì đối với những dân quân tự về tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ trên biển thì sẽ được hưởng mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, Dân quân tự vệ còn được quy định như các lực lượng dân quân khác thì đều có quyền được hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, lực lượng này còn được hưởng các tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.

Ngoài ra, Nghị định 72/2020/NĐ-CP còn quy định cụ thể điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục, cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương; không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết và một số chế độ, chính sách khác liên quan.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

(Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh)

TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN